KỸ THUẬT TRỒNG VÀ CHĂM SÓC CÂY LÚA NƯỚC

Cây Lúa là một trong năm loại cây lương thực quan trọng bậc nhất của thế giới. Ở Việt Nam chúng là cây lương thực chính, được dùng hàng ngày trong cuộc sống của người dân và có vai trò đặc biệt trong ngành xuất khẩu lúa gạo và an ninh lương thực. Cây Lúa được trồng ở nhiều vùng khác nhau, trong đó có hai vùng lớn nhất là vùng Đồng Bằng Sông Hồng và Đồng Bằng Sông Cửu Long.

Theo nhiều nghiên cứu, nguồn gốc của cây Lúa xuất pháp từ khu vực Châu Á và Châu Phi, đặc biệt là từ các vùng của nước Việt Nam, Trung Quốc, Thái Lan, Indonesia,... Người ta phát hiện ra những dấu vết trồng cây Lúa từ hơn 10.000 năm trước ở khu vực này.

Đây cũng chính là lý do giúp cho các quốc gia như Việt Nam, Thái Lan, Indonesia,... trở thành nước có sản lượng Lúa gạo xuất khẩu hàng đầu trên thế giới hiện nay. Cùng với đó sản lượng, chất lượng gạo xuất khẩu của các quốc gia này cũng được đánh giá rất cao so với nhiều vùng khác trên thế giới.

I.Đặc điểm sinh trưởng và phát triển của cây lúa.

Lúa là cây lương thực chủ yếu và quan trọng của nước ta nói riêng và thế giới nói chung. Lúa là cây trồng thích hợp với điều kiện nhiệt đới và á nhiệt đới.

Thời kỳ sinh trưởng dinh dưỡng của lúa được tính từ lúc gieo mạ đến lúc bắt đầu làm đòng:

- Giai đoạn gieo mạ: Kéo dài khoảng 20 ngày tính từ khi gieo mạ đến khi lúa có khoảng 4-5 lá.

Giai đoạn đẻ nhánh: Giai đoạn này kéo dài khoảng 40 ngày tính đến khi lúa bắt đầu làm đòng.

Thời kỳ sinh trưởng sinh thực của cây lúa được tính từ lúc làm đồng đến khi thu hoạch.

Giai đoạn làm đòng, trỗ bông, hình thành hạt là giai đoạn quyết định năng suất của lúa. Số hạt trên bông, tỷ lệ hạt chắc, trọng lượng 1000 hạt – là thời kỳ trực tiếp nhất đến năng suất thu hoạch.

II.Yêu cầu về dinh dưỡng cây lúa

Mỗi loại cây trồng khác nhau có yêu cầu về dinh dưỡng là khác nhau. Đối với cây lúa cũng vậy. Các yêu cầu về dinh dưỡng của cây lúa như sau:

-Đạm là yếu tố dinh dưỡng quan trọng cho quá trình đẻ nhánh của lúa. Việc cung cấp đạm đủ và đúng lúc giúp cây lúa đẻ nhánh nhanh và tập trung. Đồng thời, đạm cũng là yếu tố cần thiết để đối với việc hình thành đòng và nhiều yếu tố chất lượng của cây lúa như số hạt trên đòng, độ chắc của hạt, trọng lượng hạt…

+Theo nghiên cứu, cần 22 kg N để có thể thu được 1 tấn thóc. Trong suốt qúa trình sinh trưởng và phát triển của mình, nhu cầu về đạm tăng đều từ thời kỳ đẻ nhánh tới trỗ và giảm sau khi trỗ bông. Lúa hút đạm nhiều nhất trong thời kỳ đẻ nhánh khoảng 70% và thời kỳ làm đòng là 10 – 15%.


+Lúa thích hợp với đạm amon và ure. Dạng phân đạm phổ biến đối với cây lúa là đạm urê với tỷ lệ đạm cao, thích hợp với đất thoái hóa, bạc màu. Đạm nitrat thường được sử dụng bón thúc ở vụ đông xuân, thích hợp với đất phèn, chua, mặn.

-Lân giữ vai trò quan trọng trong giai đoạn sinh trưởng đầu của cây lúa. Lân xúc tiến rễ và số dảnh lúa phát triển, ảnh hưởng tới tốc độ đẻ nhánh của cây. Ngoài ra, lân còn giúp lúa trỗ bông đều, chín sớm, làm tăng năng suất và phẩm chất của cây lúa.

+Lúa cần khoảng 7kg P2O5 để cho ra 1 tấn thóc. Cây lúa hút lân mạnh nhất vào thời kỳ đẻ nhánh và 1 phần vào thời kỳ làm đòng.

+Phân lân nung chảy bón cho lúa trên nền đất chua có hiệu quả tương tự supe lân. Trong điều kiện ngập nước, cây lúa vẫn dễ dàng hấp thụ lân.

-Kali là yếu tố quan trọng tới việc phân chia tế bào, phát triển rễ lúa trong điều kiện ngập nước. Kali có ảnh hưởng lớn tới quá trình quang hợp, tổng hợp gluxit, protein, thúc đẩy quá trình hình thành licnin, xenlulo, giúp lúa cứng cáp hợn và tăng khả năng chống chịu với sâu bệnh và thời tiết.

Lượng Kali cần để tạo ra 1 tấn thóc là 32 kg K2O. Nhu cầu về Kali ở lúa cao nhất vào giai đoạn đẻ nhánh và làm đòng. Loại phân kali thích hợp bón cho lúa là kali clorua KCl.

Các yếu tố vi lượng như sắt Bo, kẽm, đồng … tuy cần hàm lượng nhỏ nhưng có ảnh hưởng rất quan trọng tới quá trình hình thành và phát triển của cây lúa. Ảnh hưởng trực tiếp tới năng suất sau này.

Ở điều kiện đất quá chua khiến lúa còi cọc, kém phát triển, bà con nên dùng vôi sống khử chua đất.

III.CHỌN GIỐNG VÀ XỬ LÝ GIỐNG

1. Chọn giống.

Sử dụng giống khỏe, giống xác nhận, chống chịu sâu bệnh, có năng suất cao, chất lượng gạo tốt, ngâm ủ hạt giống lúa đều rễ để có cây khỏe ngay từ ban đầu.

2. Xử lý hạt giống

Khuyến khích xử lý hạt giống nhằm hạn chế mầm bệnh bằng một trong những biện pháp sau:

-Xử lý với dung dịch nước muối: làm sạch hạt lúa trước khi ngâm ủ bằng cách ngâm hạt trong nước muối 15% trong thời gian 5-10 phút, loại bỏ hạt lép lửng và lẫn tạp.

-Xử lý hạt giống với nước nóng 54oC (3 sôi 2 lạnh): góp phần phá miên trạng và diệt mầm bệnh bám trên hạt lúa.

-Xử lý phá miên trạng bằng axit nitric nồng độ 5%o

IV. KỸ THUẬT CANH TÁC

1. Chuẩn bị đất

Sau khi thu hoạch cần vệ sinh đồng ruộng, tiêu hủy tàn dư rơm rạ, bón vôi, cày lật đất sau đó ngâm ruộng ít nhất 20 ngày mới sạ lại, nơi có điều kiện nên cày đất phơi ải. Trước khi gieo sạ cần cày trục lại kỹ, san bằng mặt ruộng, làm mương quanh ruộng để thoát phèn đồng thời để ốc bươu vàng tập trung xuống, dễ tiêu diệt

2. Thời vụ và mật độ gieo cấy

Thời vụ cấy: gieo cấy vào thời vụ thích hợp, tập trung, đồng loạt, "né rầy", nhanh gọn.

Mật độ gieo: mật độ gieo sạ phù hợp từng giống, từng loại đất, từng vùng. Không gieo sạ quá dày trên 120 kg/ha, sâu bệnh dễ phát sinh gây hại; tốt nhất nên áp dụng phương pháp sạ hàng

3. Bón phân

Sử dụng phân bón hợp lý: tùy theo loại đất để bón phân cân đối đạm, lân, kali. Bón phân hữu cơ và phân lân lót hoặc thúc sớm, bón phân đạm theo bảng so màu lá lúa. Phun thêm phân bón lá có hàm lượng lân và kali cao nhằm tăng sức đề kháng của cây.

Đất giàu dinh dưỡng: 80-90 N: 50-60 P2O5: 70-80 K2O + 5-7 tấn phân chuồng (hoặc 1,0-1,5 tấn phân hữu cơ hữu vi sinh).

Đất nghèo dinh dưỡng: 100-110 N + 60-70 P2O5+ 80-90 K2O + 1,0-1,5 tấn phân hữu cơ hữu vi sinh hoặc phân hữu cơ chế biến.

Bón lót: dùng MASTER HUMIC với liều lượng 1kg pha với 1-2 phuy (1000m2) + Phân hữu cơ dùng kích giải phèn, mặn, giải độc hữu cơ. Tạo tiền để kích thích ra rễ và tạo môi trường tốt cho cây lúa phát triển.

Bón thúc với lúa cấy:

+Lần 1(7-15 ngày tùy giống lúa):

+Bón gốc: Khi lúa hồi xanh, lượng bón 50% N + 40% K2O. Dùng 500ml kèm DR. ROOTS chuyên lúa cho 1-2 phuy nước xịt hoặc tưới kích thích ra rễ, đẻ nhanh nở bụi, giải độc hữu cơ, phèn và mặn.

+Cung cấp thêm trung vi lượng qua lá: WA- SUSHI VIỆT 1 lít dùng 1-2 phuy. Giúp dưỡng cây, đâm chồi, xanh lá, chống ngộ độc, sương muối. Khi lá xanh, lá khỏe đủ quá trình quang hợp chuẩn bị giai đoạn làm đồng.

Trổ đều: Phun 20ml WA-SUSHI VIỆT+ 20ml DR.BO nhằm kích trổ đồng loạt, dưỡng hoa, hoa tươi, nhụy khỏe, chống rụng

Vô gạo: Dùng 20ml GIÀU DINH DƯỠNG SIÊU TO HẠT LÚA pha bình 20lit phun ướt đều 2 mặt lá lúa và bông lúa. Giúp siêu to hạt, hạt no tròn, trĩu bông, chín chắc tới cậy, nặng ký, bảo quản lâu.

4. Quản lý nước

Điều chỉnh mực nước thích hợp theo từng giai đoạn sinh trưởng của cây lúa, không để ruộng ngập úng hoặc bị khô hạn.

5. Phòng trừ cỏ dại hại lúa

Áp dụng đồng bộ các biện pháp quản lý cỏ dại tổng hợp để đạt được kết quả cao


-Chọn giống xác nhận, giống ít lẫn cỏ dại để gieo trồng.

‑Cày vùi lấp toàn bộ cỏ, bừa trục kỹ mới gieo sạ lúa. Đưa nước vào ruộng ngập khoảng 5cm để ém cỏ.

‑Kết hợp dặm tỉa lúa và nhổ cỏ, cắt các bông cỏ còn sót trên ruộng trước khi cỏ kết hạt và rơi rụng.

‑Sử dụng thuốc trừ cỏ có hoạt chất Acetochlor và Bensulfuron Metyl, Pretilachlor, Butachlor. Liều lượng theo khuyến cáo trên nhãn thuốc.

V. Sâu bệnh hại lúa

SÂU HẠI LÚA

1. Rầy nâu (Nilaparvata lugens)

a) Nhận dạng

Rầy nâu trưởng thành màu nâu, dài 3-5 mm cánh trong suốt. Rầy cái to hơn rầy đực. Rầy trưởng thành có 2 dạng: dạng cánh dài che hết bụng và dạng cánh ngắn không che hết bụng.

b) Tập quán sinh sống và cách gây hại

Rầy nâu sống tập trung ở gốc lúa, bám quanh bẹ lúa nơi gần mặt nước, mật số cao có thể bám lên lá. Rầy trưởng thành dạng cánh ngắn không bay được, dạng cánh dài có thể bay rất xa và thích vào đèn ban đêm.

Rầy nâu còn là tác nhân lây truyền bệnh lúa cỏ, vàng lùn (lúa cỏ dòng 2), lùn xoắn lá là những bệnh rất nguy hiểm đối với cây lúa.

c) Biện pháp quản lý

Dùng giống kháng rầy.

Không sạ cấy quá dày trên 120 kg lúa giống/ha. Bón cân đối đạm, lân, kali,không bón phân đạm nhiều và muộn.

Hạn chế dùng thuốc trừ sâu để bảo vệ thiên địch của rầy như bọ xít nước, bọ xít mù xanh, bọ rùa, nhện... Nếu mật độ rầy cao thì diệt rầy bằng cách:

Dùng dầu nhớt rải xuống nước, quậy cho dầu loang đều xong kéo, khua cho rầy rơi xuống nước hoặc tát nước lên gốc lúa (áp dụng diện hẹp).

Vụ Hè Thu và Mùa, có thể phun Nấm xanh (Metarhizium anisoplae) để hạn chế mật số rầy gia tăng

Khi thấy rầy trưởng thành nhiều, tháo cạn nưóc 3 - 4 ngày cho rầy đẻ trứng ở bẹ lá lúa sau đó cho nướcào để làm thối trứng.

Dùng thuốc hóa học khi không thể áp dụng các biện pháp trên và khi thiên địch không đủ sức khống chế rầy. Dùng các loại thuốc đặc trị rầy.

Phun thuốc trừ rầy phải theo nguyên tắc "4 đúng”, cụ thể là:

-Đúng thuốc: sử dụng các loại thuốc có tác dụng diệt rầy và có ghi trên nhãn thuốc.

‑Đúng nồng độ và liều lượng nước thuốc: pha đúng nồng độ theo hướng dẫn trên nhãn từng lọai thuốc, sử dụng đủ lượng nước thuốc cần phun (500-600 lít/ha).

‑Đúng lúc: phun rầy ở tuổi 2-3.

-Đúng cách: do rầy bám ở gốc lúa sát mặt nước, vì vậy trước khi phun thuốc lấy nước vào ruộng cho rầy di chuyển lên trên, hướng vòi phun vào dưới tán lá, phun kỹ vào gốc lúa.

Chú ý: khi có dịch bệnh vàng lùn – lùn xoắn lá thì phun trừ triệt để rầy cánh dài di trú khi lúa dưới 20 ngày tuổi

2. Sâu đục thân lúa 2 chấm (Schoenobius incertulas)

a) Nhận dạng

Sâu đục thân có nhiều loài, mỗi loài có hình dạng, màu sắc của trứng, sâu, nhộng, bướm khác nhau. Tuy nhiên trên đồng ruộng ở Đồng Nai, phổ biến nhất là sâu đục thân bướm 2 chấm.

Bướm sâu đục thân 2 chấm có cánh màu vàng lợt, trên mỗi cánh trước có 1 chấm đen ở giữa.

Ổ trứng hình nửa hạt đậu thường được đẻ trên lá lúa có một lớp lông tơ che phủ. Mỗi ổ trứng có 30 – 100 trứng.

Sâu non tuổi nhỏ màu trắng sữa, lớn màu vàng lợt sống trong thân lúa.

Nhộng màu vàng trong thân cây gần gốc lúa.

b) Tập quán sinh sống và cách gây hại

Bướm ban ngày ẩn nấp trong khóm lúa, lùm cỏ, hoạt động giao phối và đẻ trứng ban đêm, thích ánh sáng đèn

Sâu non mới nở di chuyển xuống dưới thân lúa đục qua bẹ vào thân lúa rồi xuống gốc cây lúa. Bị hại ở giai đoạn đẻ nhánh, cây lúa dễ bị gãy, đọt lúa bị héo khô có thể rút ra dễ dàng. Nếu lúa đã trổ, sâu cắn đứt thân làm cho bông lúa bị héo khô, bạc trắng gọi là bông bạc.

Vòng đời 45-60 ngày, thời gian sâu non 30 -40 ngày

c) Biện pháp quản lý

Sau mỗi vụ nên cày vùi gốc rạ để diệt nhộng.

Ngắt bỏ ổ trứng.

Bón phân cân đối tránh dư đạm.

Thường cây lúa có khả năng bù đắp lớn khi bị sâu đục thân gây hại bằng cách là ở giai đoạn đẻ nhánh thì ra nhánh mới, ở giai đoạn đang trổ khi một số chồi bị hại thì dinh dưỡng sẽ tập trung vào những chồi còn lại.

Khi mật độ bướm và sâu non quá cao mới dùng thuốc diệt trừ. Các loại thuốc sử dụng phun hoặc rải.

3. Sâu cuốn lá nhỏ (Cnaphalocrosis medinalis )

a) Nhận dạng

Bướm màu vàng nâu, mỗi cánh trước có 2 đường vằn ngang.

Trứng màu trắng trong dạng bầu dục, đẻ rải rác trên mặt lá gần gân chính.

Sâu màu xanh lá mạ ửng vàng lợt, khi động đến thì búng mạnh và nhả tơ.

Nhộng màu nâu sậm.

b) Tập quán sinh sống và cách gây hại

Bướm thích đẻ trứng ở nơi lá xanh đậm, nơi bóng mát. Sâu non nhả tơ cuốn lá lúa lại sống bên trong gặm ăn chất xanh để lại biểu bì trắng, sau đó chuyển sang lá khác tiếp tục gây hại.

Vòng đời 30-35 ngày, thời gian sâu non 20-25 ngày

Lá lúa bị sâu cuốn lá gây hại

c) Biện pháp quản lý

Vụ Đông xuân sâu cuốn lá thường phát sinh mạnh nên sạ cấy mật độ vừa phải, giảm phân đạm.

Hạn chế dùng thuốc trừ sâu để bảo vệ thiên địch (rất nhiều loài). Trồng những cây có hoa trần trên bờ ruộng để thu hút thiên địch như sao nháy, xuyến chi, ...

Cây lúa có khả năng bù đắp rất lớn vì với khoảng < 50% diện tích lá bị hại ở các giai đoạn không làm giảm hoặc giảm rất ít năng suất nếu cây được chăm sóc tốt sau đó. Khi mật độ sâu non quá cao hoặc bướm nhiều phải phun thuốc thì trước khi phun nên lấy que quơ cho bao lá bung ra để thuốc dễ tiếp xúc với sâu. Nên phun thuốc vào buổi chiều tối.

4. Sâu phao (Nymphula depunctalis)

a) Nhận dạng

Bướm nhỏ màu trắng, cánh trước có nhiều chấm nhỏ màu nâu lợt hoặc đen.

Trứng tròn hơi dẹp được đẻ trên bẹ lá hoặc phiến lá gần mặt nước.

Sâu mới nở màu trắng, thân có nhiều lông tơ khi lớn chuyển màu vàng xanh.

Nhộng màu nâu nằm trong ống phao thường bám vào gốc lúa.

b) Tập quán sinh sống và cách gây hại

Sâu phao chỉ xuất hiện ở giai đoạn mạ và lúa non, thường hại ở chân ruộng trũng. Sâu non ăn gặm chất xanh chừa lại biểu bì màu trắng.

Sâu cuốn lá thành ống, cắn đứt ngang rơi xuống nước thành cái phao nổi, di chuyển đến cây lúa khác tiếp tục cắn phá.

Vòng đời 30-35 ngày, thời gian sâu non 20 - 25 ngày.

c) Biện pháp quản lý

Dùng rổ vớt phao nơi cuối gió, sâu thường tập trung nhiều.

Rút cạn nước để hạn chế sâu di chuyển.

Chăm sóc bón thêm phân để tăng cường khả năng đền bù của cây lúa.

Chỉ dùng thuốc khi thật cần thiết. Dùng Abamectin.

5. Bù lạch (bọ trĩ) (Baliothrips biformis, Thrips oryzae)

a) Nhận dạng

Bù lạch rất nhỏ, dài 1-2 mm. Con trưởng thành màu nâu hoặc đen, ấu trùng màu trắng sữa hoặc vàng lợt.

Trứng rất nhỏ đẻ từng quả trên lá non khó thấy.

Muốn phát hiện thấm ướt bàn tay rồi gạt ngang trên ngọn lúa, nếu có bù lạch sẽ dính vào tay.

b) Tập quán sinh sống và cách gây hại

Chỉ xuất hiện ở giai đoạn mạ và lúa non, thường phát triển và gây hại khi ruộng nắng hạn, khô nước. Xuất hiện nhiều trong vụ hè thu, nhất là thời điểm hạn Bà Chằn.

Trưởng thành và ấu trùng sống tập trung ở đầu lá lúa chích hút nhựa làm đầu lá lúa cuốn lại cháy khô có màu vàng đỏ. Thiệt hại do bù lạch thường đi đôi với thiệt hại do phèn nên cần phân biệt kỹ để có biện pháp xử lý đúng.

Vòng đời 15-20 ngày, trưởng thành có thể sống 2-3 tuần..

c) Biện pháp quản lý

Bù lạch chỉ gây hại ở giai đoạn lúa non là thời kỳ cây lúa có khả năng phục hồi rất mạnh nếu được bón phân sau đó, do vậy không hoặc ít ảnh hưởng đến năng suất.

Khi bù lạch xuất hiện nhiều nếu chủ động nước thì lấy nước vào ruộng ngập lúa 24 giờ sau đó rút nước ra.

6. Bọ xít hôi (bọ xít dài) (Leptocorisa varicornis, L.acuta)

a) Nhận dạng

Bọ xít trưởng thành dài 15-20 mm, màu nâu vàng, chân dài, râu dài.

Trứng hình bầu dục màu nâu đen đẻ thành hàng dọc theo lá lúa, bẹ lúa hoặc bông lúa.

Bọ xít non nhỏ hơn trưỏng thành màu xanh lá mạ không có cánh.

Không có giai đoạn nhộng.

b) Tập quán sinh sống và cách gây hại

Bọ xít sợ nắng nên hoạt động mạnh lúc sáng sớm hoặc chiều mát, khi có động con trưởng thành bay nhanh. Bọ xít non và trưởng thành tỏa mùi hôi.

Bọ xít hôi xuất hiện và phá hại vào giai đoạn lúa ngậm sữa và trổ. Trước và sau đó bọ xít sống trên cỏ dại, bờ bụi. Trà lúa sớm và lúa muộn thường bị bọ xít gây hại, khi lúa trổ đại trà thì bọ xít phân tán nên mức hại ít hơn. Bọ xít hại lúa bằng cách dùng vòi chích qua nơi tiếp giáp của 2 vỏ trấu để hút chất sữa bên trong làm hạt lép hoặc lửng. Hạt bị bọ xít chích hút nếu không lép thì hạt gạo cũng dễ bể, phẩm chất giảm.

Vòng đời 25-30 ngày, bọ trưởng thành có thể sống hàng tháng.

c) Biện pháp quản lý

Diệt lúa chét và cỏ dại vì đó là ký chủ giúp bọ xít sống qua thời gian không có lúa.

Nên gieo sạ đồng loạt, dùng những giống thời gian sinh trưởng tương đương nhau để khi lúa trổ đồng loạt sẽ giảm được tác hại.

Dùng bẫy bả, rỉ đường, cá ươn trộn thuốc trừ sâu để diệt bọ xít.

Thiên địch của bọ xít có ong ký sinh trứng, nhện ăn bọ non, nấm gây bệnh.

Khi mật độ bọ xít cao dùng thuốc: Chlorpyrifos Methyl; Abamectin;Alpha-Cypermethrin,Beta – Cyfluthrin; Dimethoate; Cypermethrin phun trừ vào sáng sớm hoặc xế chiều.

7. Bọ xít đen (Scotinophora lurida )

a) Nhận dạng

Bọ trưởng thành hình gần như lục giác dài 7-8 mm, màu đen hoặc nâu đen.

Trứng đẻ thành ổ từ 10-15 trứng xếp thành những hàng dọc theo gân lá lúa phía gần mặt nước.

Bọ non hình dạng giống trưởng thành, không cánh màu nâu vàng,

Không có giai đoạn nhộng.

b) Tập tính sinh sống và cách gây hại

Bọ trưởng thành và bọ non sống tụ tập ở gốc lúa ban ngày, ban đêm di chuyển lên phía trên cây, trưởng thành vào đèn nhiều. Trong mùa khô bọ thường trú ẩn trong kẽ nứt của đất nơi có cỏ, khi thời tiết thích hợp sẽ di chuyển đến ruộng lúa sinh sản và gây hại.

Bọ trưởng thành và bọ non hút nhựa làm bẹ lúa thâm đen. Nếu mật độ bọ cao cây lúa có thể bị héo chết hoặc bị cháy giống như hiện tượng cháy rầy

Bọ xít đen có thể gây hại các vụ lúa tuy vậy mật độ và tác hại thường cao trong vụ hè thu, tập trung giai đoạn lúa đẻ nhánh rộ đến có đòng.

Vòng đời 50-60 ngày.

c) Biện pháp quản lý

Làm sạch cỏ dại trong ruộng và bờ bao.

Không gieo sạ dày, bón phân cân đối để ruộng lúa thông thoáng không thuận lợi cho bọ xít phát sinh gây hại.

Thiên địch của bọ xít đen có ong ký sinh trứng, bọ cánh cứng , bọ ngựa ăn trứng, nấm gây bệnh bọ non

Khi mật độ cao dùng thuốc như phun bọ xít dài, phun trực tiếp vào gốc lúa.

8. Nhện gié (Oligonycus oryzae)

a) Nhận dạng

Nhện gié có kích thước rất nhỏ, trên ruộng có thể lầm với những hạt phấn của hoa lúa. Quan sát kỹ thấy nhện màu đỏ có 4 cặp chân và tạo được lớp mạng bằng tơ rất mỏng..

Trứng rất nhỏ, màu trắng đục, đẻ rải rác trong một quần thể nhện phía trong bẹ lá

Nhện non cơ thể nhọn dài và chỉ có 3 cặp chân.

b) Tập tính sinh sống và cách gây hại

Nhện sống tập trung phía trên mặt nước, khi mật độ cao chúng mới bò lên bông lúa. Miệng nhện giống như vòi kim nhỏ chích hút nhựa ở bẹ lá, cuống bông, cuống gié và vỏ hoa lúa trước khi trổ làm bẹ lá. Lúa có màu nâu thâm, bông lúa trổ ra có nhiều hạt lép hoặc lép cả bông. Một nhện trưởng thành cái đẻ khoảng 50 trứng, những trứng không thụ tinh trở thành con đực. Nhện non nở ra được nhện trưởng thành đực mang theo. Nhện non đẫy sức khoảng 1 ngày thì trở thành nhện trưởng thành. Vòng đời 10-12 ngày.

c) Biện pháp quản lý

Cày lật gốc rạ sớm, diệt lúa chét giữa các vụ để hạn chế nguồn nhện lây lan.

Phun thuốc khi phát hiện có một số dảnh mới có triệu chứng bị hại (bẹ lá bị đỏ bã trầu). Dùng thuốc đặc trị nhện: Abamectin ; Emamectin benzoate ; Fipronil

BỆNH HẠI LÚA

1. Bệnh đạo ôn (bệnh cháy lá, khô cổ bông, cổ gié)

Tác nhân: nấm Pyricularia oryzae

a) Triệu chứng

Trên lá xuất hiện nhiều đốm bệnh nhỏ bằng đầu kim sau lớn dần có dạng hình thoi màu nâu giữa có màu xám trắng, xung quanh có viền vàng nâu. Trường hợp cấp tính, vết bệnh sẽ kéo dài ra theo chiều dọc lá, các vết bệnh lớn dần liên kết với nhaulàm lá khô hoàn toàn.

Trên thân bệnh gây hại ở đốt tạo thành những vết màu nâu bao quanh đốt thân làm đốt khô teo lại, cây lúa dễ bị gẫy gục.

Trên cổ bông, cổ gié vết bệnh màu nâu làm cả bông lúa hoặc gíe lúa bị lép trắng hoặc lửng hạt. Vết bệnh cũng có thể xâm nhập lên vỏ hạt lúa.

b) Điều kiện phát sinh phát triển của bệnh

Bệnh có thể gây hại tất cả các giai đoạn từ mạ đến trổ của cây lúa. Bệnh thường phát triển trong điều kiện: giống nhiễm, bón phân đạm nhiều, ruộng khô, trời âm u, lạnh có sưong mù.

c) Biện pháp quản lý

Dùng giống kháng bệnh cháy lá là biện pháp hiệu quả nhất.

Sạ thưa hợp lý.

Bón cân đối đạm, lân, kali, ngưng bón phân đạm, không phun phân bón lá hoặc chất kích thích sinh trưởng khi bệnh chớm phát và không để ruộng bị khô.

Khi bệnh có chiều hướng phát triển thì phun thuốc Fenoxanil+Tricyclazole ; Azoxystrobin 200g/l + Difenoconazole 125g/l ; Benomyl ; Iprobenfos ; Isoprothiolane ; Kasugamycin ; Tricyclazole

2. Bệnh khô vằn (bệnh đốm vằn)

Tác nhân: nấm Rhizotonia solani.

a) Triệu chứng

Bệnh gây hại chủ yếu trên bẹ lá, trường hợp bệnh nặng có thể phát sinh trên phiến lá và cả bông lúa.

Khởi đầu là những đốm xám xanh ở bẹ lá gần mặt nước. Đốm bệnh lớn dần hình bầu dục hay tròn rồi lan rộng ra có thể đến 2-3 cm hoặc hơn. Rìa vết bệnh có màu nâu, bên trong màu xám, xám xanh hoặc xám vàng. Nhiều vết bệnh liền nhau giống hình da beo.

Ẩm độ cao trên các vết bệnh có lớp tơ nấm màu trắng, đôi khi có hạch nấm tròn. Bệnh làm ruộng lúa héo khô từng chòm, bông lúa bị lép, lửng.

b) Điều kiện phát sinh phát triển của bệnh

Bệnh gây hại ở tất cả các vụ trong năm, bệnh thường phát sinh trong điều kiện sạ dày, bón quá nhiều đạm và gây hại nặng từ giai đoạn lúa có đòng trở đi.

c) Biện pháp quản lý

Cày lật đất sớm, bón vôi, ngâm nước một thời gian để diệt nguồn bệnh.

Sạ cấy mật độ vừa phải. Bón cân đối NPK, chú ý ruộng nào vụ trước đã có bệnh khi bón phân tập trung bón giai đoạn đầu không bón thúc muộn.

Khi ruộng lúa bị bệnh cần giữ mực nước ổn định không bón phân đạm.

Bệnh phát triển mạnh phải phun thuốc trị bệnh. Dùng thuốc Carbendazim; Cyproconazole Validamycin; Hexaconazole.

3. Bệnh vàng lá (bệnh vàng lá chín sớm)

a) Triệu chứng

Vết bệnh lúc đầu là một đốm màu xanh đậm dạng giọt dầu sau lớn dần có màu vàng cam và kéo dài lên chóp lá. Các sọc này phát triển dần, làm cho lá lúa có màu vàng cam rồi cháy khô đi.

Đặc điểm để phân biệt bệnh "vàng lá" với các bệnh khác là bên dưới vết vàng luôn có đốm hình bầu dục mầu cam sậm (sậm hơn mầu vàng của vết bệnh bên trên) hoặc xám trắng. Đó là vết tích của vết xâm nhiễm ban đầu, và từ đốm này vết bệnh luôn lan lên phía chóp lá lúa chứ không lan xuống phía dưới.

Bệnh nặng và sớm làm bông lúa bị lép lửng nhiều.

b) Điều kiện phát sinh phát triển của bệnh

Bệnh thường xuất hiện từ giai đoạn lúa có đòng trở đi, bệnh phát triển mạnh trên giống nhiễm, sạ dầy bón nhiều phân đạm, nhất là bón đón đòng và nuôi đòng quá nhiều

c) Biện pháp quản lý

Dùng giống ít nhiễm bệnh. Sạ mật độ vừa phải.

Bón phân cân đối đạm, lân, kali. Không bón đón đòng và nuôi đòng quá nhiều.

Phun thuốc khi bệnh xuất hiện nhiều, dùng thuốc Benomyl , Carbendazim

4. Bệnh cháy bìa lá

Tác nhân: Vi khuẩn Xanthomonas oryzae.

a) Triệu chứng

Bệnh thường gây cháy khô dọc theo bìa của lá. Lúc đầu vết bệnh ở rìa của phiến lá gần chóp lá có màu vàng hoặc xanh xám nhạt dạng như thấm nước, sau đó vết bệnh lan dần vào trong và từ chóp lá xuống dưới.

Vết bệnh ở 1 bên hoặc cả 2 bên của rìa lá. Vết bệnh cũng có thể bắt đầu từ một vết thương ở giữa lá rồi lan dần ra bìa lá.

Nếu bị nặng vết bệnh lan dần ra khắp phiến lá và làm cho lá bị cháy khô. Bệnh lan dần từ lá dưới lên lá trên. Đặc điểm của bệnh cháy bìa lá là giữa vết cháy khô và phần lá chưa bệnh có ranh giới rất rõ (không có vùng chuyển tiếp). Bệnh thường xuất hiện từ giai đoạn lúa đứng cái trở về sau. Bệnhlàm giảm năng suấtđáng kể nếu bị nặng trong giai đoạn làm đòng.

b) Điều kiện phát sinh phát triển của bệnh

Bệnh phát triển mạnh ở những vùng có khí hậu nóng, ẩm, mưa gió nhiều, những ruộng có nước ngập tù đọng sạ cấy dầy, bón nhiều phân đạm

c) Biện pháp quản lý

Dùng giống lúa chống bệnh. Không gieo sạ dày.

Bón phân cân đối. Khi ruộng lúa có bệnh ngưng bón đạm, bón tăng cường phân kali.

Phun thuốc Chlorobromo isocyanuric acid Kasugamycin ; Oxolinic acid ; Fosetyl Aluminium để trị bệnh, phải phun nhiều lần nhất là trong mùa mưa. Nhìn chung, khi vi khuẩn gây bệnh đã xâm nhập vào lá lúa rồi thì rất khó trị và tốn kém (phải phun nhiều lần). Do đó nếu bệnh thường xảy ra thì biện pháp phòng bệnh là hiệu quả nhất.

5. Bệnh lùn xoắn lá

Tác nhân: do virus

a) Triệu chứng

Cây bệnh lùn thấp hơn cây không bệnh, các lá vẫn xanh, gân chính bị sưng, các triệu chứng khác thay đổi theo giai đoạn sinh trưởng của cây. Cây bệnh lúc còn nhỏ, mép lá bị nhăn, lá có thể bị rách, khi cây lúa lớn lá bị xoắn từ chóp lá xuống theo chiều ngược kim đồng hồ, nhiều chồi đâm ra từ đốt thân trên mặt đất.

Cây bị nhiễm nặng, lúa hoàn toàn không trổ được có thể mất trắng. Nếu nhiễm nhẹ và muộn có thể trổ nhưng trổ muộn, thường trổ không thoát hết và nhiều hạt lép.

Virus gây bệnh không lây truyền qua hạt giống, nước, không khí, đất, tác nhân cơ giới mà chỉ được lây truyền qua môi giới là rầy nâu.

Các triệu chứng của bệnh lùn xoắn lá

b) Điều kiện phát sinh phát triển

Trên ruộng lúa bệnh phát sinh sớm hay muộn là do thời gian xuất hiện của rầy mang nguồn bệnh. Số lượng cây bị bệnh nhiều cùng với mật độ rầy cao thì bệnh sẽ phát triển mạnh. Thời tiết và giống lúa thích hợp với rầy nâu cũng là điều kiện thích hợp cho bệnh phát triển.

c) Biện pháp quản lý

Bệnh lùn xoắn lá thường phát triển và gây hại nặng sau khi trên địa bàn bị nhiễm rầy nặng. Hiện không có thuốc trị bệnh này. Cách phòng bệnh tốt nhất là quản lý tốt rầy nâu chọn thời vụ gieo sạ "né rầy”, khi ruộng bị bệnh phải tiêu hủy cây bệnh sau đó phòng trừ rầy nâu và phun các loại phân bón lá có hàm lượng lân và kali cao nhằm tăng sức đề kháng của cây.

6. Bệnh vàng lùn

Tácnhân: do virus

a) Triệu chứng

Bệnh làm giảm số chồi. Cây bị bệnh lùn hơn cây bình thường, mức độ lùn tùy thuộc thời gian nhiễm bệnh sớm (lùn nhiều) hay muộn (lùn ít). Lá lúa ngả màu vàng cam: trên lá vàng từ chóp vào, trên 1 chồi lúa lá bên dưới vàng trước lan dần lên lá bên trên. Trong một bụi lúa có thể chỉ một vài chồi mắc bệnh. Bệnh nặng làm cho chồi lúa hoặc cả bụi lúa chết rụi.

Virus gây bệnh không lây truyền qua hạt giống, nước, không khí, đất, tác nhân cơ giới mà chỉ được lây truyền qua môi giới là rầy nâu.

b) Điều kiện phát sinh phát triển và phòng chống: như đối với bệnh lùn xoăn lá.

Trường hợp rầy nâu chích hút và lấy cả 2 virus trên vào cơ thể, sau đó chích hút trên cây khỏe sẽ truyền cùng lúc hai bệnh lùn xoắn lá và vàng lùn làm cây lúa có triệu chứng tổng hợp của cả 2 bệnh là: bụi lúa lùn, trong bụi lúa vừa có lá vàng từ chóp lá vào vừa có lá xanh đậm và vặn xoắn.

7. Bệnh lúa cỏ

Tác nhân: Virus

a) Triệu chứng

Bệnh vàng lùn

Cây bị bệnh rất thấp, đẻ nhiều nhánh như một bụi cỏ, lá ngắn và hẹp màu xanh vàng nhạt. Cây lúa đang phát triển sau khi bị bệnh thì nhỏ lại như cây mạ. Cây bệnh có thể sống đến lớn nhưng không trổ bông, một số cây có thể trổ bông nhưng bông nhỏ nhiều hạt lép. Nếu bị bị nhiễm bệnh muộn năng suất giảm ít hơn.

Bệnh lan truyền do rầy nâu làm môi giới

Điều kiện phát sinh phát triển và phòng chống: như đối với bệnh lùn xoắn lá.

8) Bệnh nghẹt rễ

Bệnh nghẹt rễ còn được gọi là bệnh "lúa đỏ” hoặc lúa bị "ngộ độc” vì chất hữu cơ.

a) Triệu chứng

Thường sau khi sạ hoặc cấy 20 ngày lúa bắt đầu vàng đỏ, cây lúa lùn và nẩy chồi kém hơn cây lúa khỏe cùng độ tuổi. Trên lá lúa bệnh có rất nhiều vết màu nâu đỏ, nhổ bụi lúa lên sẽ thấy rễ lúa bị thối đen, cây lúa không hút được dinh dưỡng sẽ suy yếu và lụi dần nếu không được cải thiện.

Điều kiện phát sinh phát triển

Bệnh thường xảy ra ở khu vực trũng, đất tích chứa nhiều chất hữu cơ chưa phân hủy hết. Bệnh cũng xảy ra ở các ruộng vừa trục nhận rơm rạ xuống rồi sạ hoặc cấy lúa ngay.

c) Biện pháp khắc phục

Cày, trục đất xong nên cho nước vào ngâm ruộng ít nhất 20 ngày, xả nước ra hết trước khi sạ cấy. Sau đó lấy nước vào ruộng dần theo yêu cầu sinh trưởng của cây lúa.

Khi ruộng bị đỏ lá do bị ngộ độc chất hữu cơ phải tháo nước trong ruộng ra hết phơi khô đất vài ngày cho đến khi đất hơi rắn mặt rồi mới lấy nước vào ruộng. Rải thêm phân DAP (3 – 4 kg/1.000m2), phun các loại phân bón lá hữu cơ hoặc có hàm lượng canxi và lân cao giúp cây mau phục hồi cho đến khi cây ra rễ trắng thì bón thêm phân đạm.

 

Website: https://www.triviet2000.com/

Fanpage (FP): https://www.facebook.com/TCT.TV2000

Facebook (FB): https://www.facebook.com/triviet2000

Zalo:0962101278

 



Hotline: 0913 10 12 78
Zalo: 0913 10 12 78
Facebook messenger